Thứ tư, 11/05/2011, 01:56 GMT+7
Đi làm thuê, mở công ty rồi lại phải đi làm thuê để nuôi sống dự án của mình. Nguyễn Hữu Hà - "ông chủ” của website 1001shoppings.com từng được Bộ Thương mại bình chọn là website hàng đầu về thương mại điện tử ở VN - chia sẻ giấc mơ lập nghiệp chưa hề suôn sẻ của mình.
1. Tôi sinh ra tại xóm Đèo, thôn Cần Lương, nằm trong một hốc núi ở xã An Dân (Tuy An, tỉnh Phú Yên). Cả thôn có khoảng 30 nóc nhà và những mảnh ruộng bậc thang. Học đến đại học chỉ có hai anh em nhà tôi, còn lại mọi người trong thôn cho đến giờ học cao nhất cũng chưa qua lớp 8. Cái giá phải trả cho sự học của tôi và em gái là hai người chị không được đi học tiếp nữa, ở nhà cắt cỏ nuôi bò, làm ruộng thay em.
Tôi chỉ là một cậu bé chăn bò, mang sách vở theo học trên sườn đèo, hằng ngày lội bộ 4km đi học, muốn áo đẹp cũng không có. Đi phát rẫy làm mướn đến năm lớp 9 thì tự mua được chiếc xe đạp và nó đi theo tôi vào Sài Gòn cho tới ngày tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa. Chuyện tôi đi học tốt xấu thế nào cũng là cái gương cho người trẻ trong xóm soi vô. Và đó cũng là lý do khiến tôi phải chiến thắng mọi thứ trở ngại trên cuộc đời. Thằng Hà ở xóm Đèo đi học đại học mà thất bại, lũ nhỏ trong xóm lấy cái gì để làm động cơ đi học?
2. Năm 1999, tốt nghiệp ĐH Bách khoa ngành công nghệ thông tin, Hà trở thành nhân viên lập trình của Petrosin (một công ty của Singapore và Mỹ), rồi nhanh chóng bước vào vị trí trưởng phòng lập trình. Công việc chỉ chiếm đến 30% sức lực mà lương lại khá cao. Sau hai năm, nhóm bạn rủ rê: kết thúc làm thuê, ra mở công ty. Tưởng như trong một phút có thể "vươn vai" thành một tập đoàn gì gì thì đùng một cái có trục trặc. Hà tách ra lập Công ty Anpha chuyên làm phần mềm ERP (giải pháp quản trị doanh nghiệp). Nhưng... khách hàng lớn không có, quĩ tiền hết sạch, Hà nợ lương của nhân viên. Nguy cơ phá sản đến cả trong giấc mơ. Sự nản lòng lan ra khắp công ty.
Trong công ty Nhật, từ sử dụng nhiều nhất là "chúng ta". Tôi thắc mắc, một sếp giải thích đó là một nét văn hóa kinh doanh của người Nhật. Rằng tất cả mọi thành công trong công ty có sự đóng góp của tất cả mọi người: từ ông bảo vệ cho tới tổng giám đốc. Mọi thứ nhỏ hay lớn cũng được viết thành dự án. Khi mở một công ty, tôi và rất nhiều người Việt sẽ không nghĩ tới một dự án. Và người ta "phán" mọi thứ theo những ước đoán của mình. Tôi có chất xám, anh có tiền, hùn nhau cùng làm. Tới chừng chia lợi nhuận, mâu thuẫn dễ nảy sinh vì không ai định được "chất xám" trị giá bao nhiêu trong khi tiền của bỏ ra là có thật. Từ "chúng ta" như một tinh thần, nhưng khi có chuyện xảy ra thì "bản đồ trách nhiệm" trong dự án sẽ cho thấy ai là người chịu trách nhiệm và trách nhiệm đó tới đâu. NGUYỄN HỮU HÀ |
Hà quyết định phải đi làm thuê để... lấy tiền nuôi công ty. Nhận chức danh trưởng phòng tư vấn phát triển hệ thống ERP Công ty FTS (Nhật), anh có được ít thời gian riêng và một khoản "ngân sách" đáng kể cho công ty của mình. "Chân lý mà tôi ngộ ra: thị trường không phải là thế giới "tự sản tự tiêu" như cái xóm Đèo trong hốc núi của quê tôi.
Phải học! Thời gian không có thì phải thức thêm mà học. Tiền bạc không có thì phải "cày" kiếm thêm mà học". Trở lại trường học về quản lý cao cấp của ĐH Kinh tế. Mỗi đêm Hà chỉ ngủ 2-3 giờ. Những cuộc điện thoại anh gọi về quê thưa dần. Rồi một ngày mẹ anh từ quê xách giỏ vào thăm con, chứng kiến cảnh khổ của con trai, bà ngã bệnh nguy ngập.
Hà về quê chăm sóc mẹ, trở lại cuộc đời trong hốc núi tối om om. Hà nắm tay lại, động viên mình: phải sống! Anh lấy giấy viết ra phân tích hết mọi thất bại của mình.
"Tới lúc đó tôi mới thấy mình chưa hiểu thị trường, không biết thương lượng, chỉ mang vài kiến thức công nghệ thông tin ra làm hợp đồng. Điều tôi muốn là thương mại điện tử. Nhưng nó sẽ là con đường "máu lửa" bởi người Việt bị cản ngại từ phương thức thanh toán đến tập tục văn hóa tiêu dùng, niềm tin khách hàng... Chưa từng có trang web thương mại điện tử nào "sống" bằng chính nó. Nhưng một khi eBay đã nhảy vào thị trường, tức họ nhìn thấy tiềm năng từ hơn 80 triệu người Việt. Nếu mình không cùng nhiều người khác gồng mình đeo đuổi thì thương mại điện tử VN khó lòng phát triển".
Phác đồ cho "đường ra" của Hà: chuyển từ định hướng chỉ bám vào một trang web thương mại điện tử mua bán thông thường thành nơi để những doanh nghiệp lớn xuất hiện và tạo niềm tin khách hàng, chờ tới ngày biến thành "đại siêu thị”. Điều quan trọng là lấy hướng tư vấn, cung cấp các dịch vụ hệ thống quản lý bằng công nghệ thông tin cho doanh nghiệp để nuôi sống giấc mơ "chợ điện tử toàn cầu người Việt". Có đường xong, xốc lại tinh thần, công việc lại chạy. Vẫn còn chông chênh của cái túi cạn kiệt tiền. Cho tới một hôm...
3. Giám đốc một công ty kỹ thuật dầu khí tìm đến thương lượng một hợp đồng. Câu chuyện tình cờ của họ rẽ từ hợp đồng đến chuyện ra đời, lập nghiệp. Trong sự sẻ chia thật lòng, khách hàng kể rằng anh bắt đầu với những thất bại thê thảm tới mức bán cả nhà mình rồi bán tiếp cả nhà ba vợ để trả nợ.
Như khơi đúng dòng chảy, Hà suýt khóc khi kể rằng mình cũng đang lâm vào hoàn cảnh như thế. Rằng mọi thứ có thể đi tong bất cứ giờ nào, rằng anh đang cố gắng để tìm một lối ra cho Anpha mà chưa biết ra sao. Tự dưng cuộc thương lượng làm ăn không còn tồn tại nữa. Hợp đồng được ký sau vài giờ với trị giá 25.000 USD - một số tiền "cứu cánh" đối với công ty Hà dù vị giám đốc doanh nghiệp kia cũng không giàu có gì.
Đó là một câu chuyện cổ tích lãng mạn nhất đã xảy ra với Hà. Số tiền giúp công ty có thể tồn tại thêm vài tháng để Hà tính đường xoay trở. Năm tháng sau, khó khăn tạm ổn. Sau một năm, công ty mở rộng từ 8 lên 27 nhân viên. Cuối năm 2005, doanh nghiệp có thu. Tháng 4-2006 đưa tranghttp://www.1001shoppings.com/ vào hoạt động, hai tháng sau nó lọt vào top 3 doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu do Bộ Thương mại bình chọn. Cuối năm 2006, website đứng đầu về thương mại điện tử VN và đầu năm 2007 lọt vào nhóm 12 sản phẩm tiêu biểu của Trí tuệ VN 2006 trên VTV...
Con đường tiếp tục mở ra với dịch vụ cung cấp hệ thống quản lý toàn diện cho nhiều doanh nghiệp lớn, rồi làm trang web cổng thông tin chính thức cho tuần lễ văn hóa cà phê ở TP.HCM và Hà Nội.
Hà bảo mình đã đi được hơn 25% trên con đường còn quá dài của thương mại điện tử. Thử thách lập nghiệp do vậy vẫn còn ở phía trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét