Gặp nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải ở ngoài đời, ít ai nghĩ rằng ông đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”. Vẫn thích hát karaoke, quay “valse”… Bất chấp nhiều thiệt thòi do từng bị cho là mê tín dị đoan, ông vẫn say mê với nhiều đề tài tâm huyết của mình.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải |
Ông sinh năm 1934. Ông vào đời với nghề dạy học môn sinh vật tại trường Bổ túc công nông Trung ương.
Năm 1963, cuốn sách Những kỳ lạ trong thế giới sinh vật của ông được giải thưởng của Nhà xuất bản Giáo dục trong tủ sách “Hai tốt”. Năm 1977, tái bản lần thứ 3 tại TP.HCM với số lượng kỷ lục 8 vạn bản. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã gửi tặng bằng khen cho cuốn sách này.
Biên chế vào Viện Khoa học tự nhiên, làm Tổ trưởng bộ môn di truyền học. Đến 1.5.1976, Viện Khoa học Việt Nam cho ông thôi việc vì cho rằng nghiên cứu của ông là mê tín dị đoan.
1.5.1990, ông được viện mời trở lại làm việc.
Bị đuổi việc
|
Chuyện bắt đầu xảy ra từ năm 1974. Ở Đại Yên, Đội Cấn, Hà Nội có ông cụ tên Nguyễn Đức Cần chữa bệnh rất kỳ lạ và đặc biệt: không dùng thuốc và có thể chữa từ xa.
“Ông Trần Quỳnh, Bí thư Đảng Đoàn, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học nhà nước lúc đó bị đau lưng. Tôi đã đưa ông đến ông cụ Cần để chữa”, ông Hải kể.
Ông cụ Cần cho miếng giấy, ông Quỳnh đặt vào chỗ đau thấy hết đau nên ông Quỳnh rất ngạc nhiên và đồng ý tạo điều kiện cho ông Hải nghiên cứu hiện tượng này. Cùng thời điểm đó, PGS – TS Hoàng Phương, Tổ trưởng bộ môn vật lý trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thấy chuyện hay quá, đi kể cho rất nhiều người nghe. Ông Hải, ông Phương được mời nói chuyện tại Bộ Công an về cơ sở khoa học của lĩnh vực khoa học ngoại cảm này. Bộ trưởng Bộ Công an lúc đó là ông Trần Quốc Hoàn, cũng tới dự nghe và tuyên bố đây là một hiện tượng khoa học cần được nghiên cứu.
Vì thế rất nhiều nhân vật quan trọng cũng đến ông cụ xin chữa bệnh, khiến cho dư luận lại càng ồn ào thêm.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lúc ấy đã báo cáo rằng hiệu quả chữa bệnh chỉ là hiện tượng “tự kỷ ám thị”, còn hình thức chữa bệnh bằng miếng giấy là mê tín dị đoan. Vậy là người ta cho đó là việc đi tuyên truyền cho sự thần bí. Sau đó, Sở Y tế đã cấm cụ Cần hành nghề. Đến 1.5.1976, Viện Khoa học Việt Nam đã chính thức đưa ông ra khỏi biên chế của viện.
Vợ con ly tán
Thời còn bao cấp, ra khỏi biên chế nhà nước thì gặp rất nhiều khó khăn. Con người phải phụ thuộc vào biên chế nhiều thứ: tiền lương, sổ thực phẩm, phiếu vải. “Tôi đã bị cắt tất cả”, ông Hải nói. Khi đó, tôi tròn 30 tuổi và đã lấy vợ, có 2 con. Vợ tôi nghe người ta nói vấn đề của tôi rất nghiêm trọng, mang tính chất chính trị, ảnh hưởng đến lý lịch con cái sau này.
Và nhiều người khuyên cô ấy khuyên tôi tự nhận là bị bệnh tâm thần. Vợ tôi hoang mang, nghe vài người khác xúi nên muốn ly dị để con cái không còn ảnh hưởng lý lịch của bố, mà theo lý lịch của mẹ. Cô ấy quyết định chia tay. Năm 1977, vợ tôi đi vào Sài Gòn theo diện giáo viên tăng cường cho miền Nam.
Tôi lại quay về nghề gõ đầu trẻ. Con cái của bạn bè, học sinh cũ đến học luyện thi, tôi dạy. Và số tiền thu được cũng đủ sống. Cứ vậy, kéo dài tròn 15 năm. Mỗi năm tôi đều làm kháng cáo. Người ta cứ chuyển đơn của tôi từ chỗ này sang chỗ kia nhưng tôi không nản chí.
Đến thời điểm năm 1990, ở Liên Xô có hiện tượng ngoại cảm. Truyền hình Việt Nam thường xuyên đưa tin một nhà ngoại cảm Liên Xô chữa bệnh từ xa cho người xem truyền hình. Ông Hoàng Phương lại có những bài viết đưa nhiều trường hợp trên thế giới cũng có khả năng ngoại cảm, trùng với bản chất sự việc mà tôi đã nghiên cứu nên người ta đã nhìn nhận lại.
Cuối cùng thì Viện Khoa học Việt Nam chấp nhận và giải quyết tất cả các tiền lương, chế độ của tôi trong thời gian bị đưa ra khỏi biên chế, coi như là tôi vẫn liên tục công tác.
Người có số?
Tôi muốn nói về một sự trùng hợp kỳ lạ đã dẫn tôi đến lý thuyết “mã số vũ trụ”. Ngày vợ tôi ra đi, bốn thành viên gia đình chúng tôi, hai vợ chồng hai đứa con, cùng ký vào 4 quyển lịch túi của báo Nhân dân vào đúng ô có ngày chia tay. Đó là ngày 16.1.1977 (ngày 27 tháng 1, năm Đinh Tỵ). Ngày đi ấy là ngày của đoàn, không do vợ tôi quyết định, nhưng trùng vào ngày cưới của chúng tôi. Khi để ý, tôi thấy rằng đó cũng là ngày âm lịch của ngày cưới 19 năm trước của chúng tôi, ngày 16.1.1958: ngày 27 tháng 1, năm Đinh Dậu.
Chu kỳ 19 năm này chính là chu kỳ METON do nhà thiên văn Hy Lạp METON phát hiện cách đây hơn 2.500 năm. Chính phát hiện này đã dẫn tôi vào thiên văn học và tôi đã phát hiện hàng loạt những con số trùng hợp khác trong vũ trụ.
Không phải ngẫu nhiên mà con người chúng ta có 23 nhiễm sắc thể trong tế bào sinh dục. Cũng không phải ngẫu nhiên 1 năm có 365 ngày và nguyên tử tự nhiên nặng nhất là Uranium có khối lượng nguyên tử là 238… Những con số vũ trụ, đều là nghiệm của những phương trình số học đặc biệt.
Còn con người có “số” hay không? Nếu không có những bất hạnh, có lẽ tôi đã không tìm hiểu “lý thuyết về con số”, về thiên văn, Kinh Dịch, về dự báo và tiên tri, về Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm…
Lá số tử vi của tôi có Tuần, Triệt ở đường công danh sự nghiệp và cũng thể hiện khá rõ về việc đứt gánh giữa đường trong hôn nhân.
Theo Đinh Thu Hiền/Báo Tiếp Thị Gia Đình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét