Vào thời điểm giữa năm 2010, việc hàng loạt báo đưa tin "thương hiệu Sabeco Việt Nam có nguy cơ rơi vào tay đối tác tại Singapore là công ty Sabeco Asia Pacific" đã gây chấn động mạnh trong cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam. Và một lần nữa hồi chuông cảnh tỉnh đối với các Doanh nghiệp VN trong việc Bảo vệ thương hiệu trên thị trường quốc tế lại rung lên mạnh mẽ. Vậy nhưng, có lẽ những hồi chuông trên vẫn chưa đủ mạnh để các doanh nghiệp Việt Nam thực sự thức tỉnh và chú tâm giải quyết một cách nghiêm túc vấn đề này, nhất là khi phải đối diện với một lĩnh vực đặc biệt khó khăn và phức tạp liên quan đến pháp lý quốc tế. Cho nên, hiện nay vấn đề Bảo vệ thương hiệu trên thị trường quốc vẫn là bài toán nan giải với nhiều doanh nghiệp nước ta.
Thực tế, đã có nhiều thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam bị đánh cắp trên thị trường quốc tế khiến thương hiệu sản phẩm thật của doanh nghiệp sẽ trở thành hàng giả, hàng nhái khi đi vào các thị trường mà ở đó đã có những đối tượng nhanh chân đăng ký bảo hộ trước thương hiệu của doanh nghiệp mình. Chính vì vậy, theo các chuyên gia việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài là vấn đề đầu tiên doanh nghiệp cần phải làm khi xây dựng chiến lược phát triển ra thị trường quốc tế.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), đến năm 2010 số doanh nghiệp VN đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài qua hệ thống Madrid là hơn 290 nhãn hiệu. Đến hết tháng 11/2010, có 46 nhãn hiệu được đăng ký, bằng số lượng của cả năm 2009.Mặc dù số lượng các doanh nghiệp VN tham gia đăng ký bảo hộ ở nước ngoài có tăng, tuy nhiên con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với tốc độ mở rộng và phát triển kinh doanh ra thị trường quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Và tương lai sẽ còn tiếp tục có những doanh nghiệp đi theo vết xe đổ của các doanh nghiệp từng bị đánh mất thương hiệu ở nước ngoài do không đăng ký như: bánh phồng tôm Sa Giang, kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên... Và đương nhiên, khi mất thương hiệu thì sẽ mất thị trường, mất bạn hàng, mất chi phí.
Bảo vệ thương hiệu là một hành động tất yếu doanh nghiệp phải làm khi tham gia vào môi trường kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên, làm như thế nào?bảo vệ như thế nào? các CEO cần phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các giải pháp, chuẩn bị nguồn lực cũng như hành động kịp thời thì mới có thể hy vọng thương hiệu sẽ được trả lại đúng chủ nhân của nó.
Tình huống của CEO :
Tình huống của CEO một công ty sản xuất bánh kẹo có thương hiệu uy tín lâu năm. Công ty đang chuẩn bị ký hợp đồng với một đối tác nước ngoài để phân phối sản phẩm bánh dừa ra thị trường nước ngoài thì phát hiện ra đối tác sử dụng tên viết tắt giống hệt thương hiệu của công ty, logo cũng tương tự tới mức gây nhầm lẫn. Theo tìm hiểu, đối tác này đã đăng ký và được bảo hộ thương hiệu tại nhiều nước trên thế giới, trong khi Công ty mới đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình tại Việt Nam. CEO sẽ làm gì trong tình huống này?
CEO của chương trình:
Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như – Giám đốc điều hành – Công ty Tư vấn An Luật. Thành viên Tổ chức Kết nối Thương mại Toàn cầu BNI Việt Nam
Nhóm cộng sự:
1. Ông Nguyễn Duy Đoan – Giám đốc điều hành - Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Danh Tân- Detail. Thành viên Tổ chức Kết nối Thương mại Toàn cầu BNI Việt Nam
2. Tiến sĩ Bùi Thị Thúy Nga- Giám đốc điều hành – Công ty TNHH Công Nghệ D.C. Thành viên Tổ chức Kết nối Thương mại Toàn cầu BNI Việt Nam
3. Ông Tô Hiếu Thuận - Giám đốc Chi nhánh – Công ty TNHH Thiên Thiên Lộc. Thành viên Tổ chức Kết nối Thương mại Toàn cầu BNI Việt Nam
Hội đồng giám khảo:
1. Giáo sư Loek Hopstaken – Trường Đại học Wittenborg Hà Lan. Trưởng khoa Quản Trị Kinh Doanh – Trường Kinh doanh Hoàng Gia – Royal Business School
2. Ông Nguyễn Hoài Nam – Tổng Giám đốc – Tập đoàn Berjaya Việt Nam
3. Ông Phùng Việt Thắng – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Toàn cầu hóa – Công ty Cổ phần Hệ thống Thông tin FPT
CKTC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét